MÌNH KHỞI NGHIỆP TỪ CÂY VẢI THIỀU

MÌNH KHỞI NGHIỆP TỪ CÂY VẢI THIỀU

🍒Mình chọn về quê và bắt đầu với quả vải Thiều.
Suốt những năm học tập và làm việc ở thành phố, chứng kiến thành phố đông đúc phồn hoa, hàng hóa thương mại, hoa quả ngoại nhập nở rộ khiến mình nhớ về quê hương mình – vải thiều Lục Ngạn. Vải Thiều quê mình ngon nổi tiếng nhưng cũng như bao nông sản khác, không thể tránh khỏi việc được mùa mất giá.
Mình biết nông sản địa phương muốn có chỗ đứng trên thi trường thì phải làm thương hiệu thật tốt, canh tác đạt tiêu chuẩn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhưng khi thuyết phục nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp an toàn, từ bỏ thuốc trừ sâu, trừ cỏ và phân bón hóa học, người ta đã cười mình là mơ mộng viển vông.
Khi đó đã nhận ra mình phải thực sự làm, và phải tạo ra giá trị, mình phải sống tốt với điều mà mình tin, thì mọi người mới tin mình và làm theo được.
Mình đã trở về quê và bắt đầu hành trình làm nông nghiệp của mình như thế. Từ một kỹ sư tưởng rằng mình hiểu biết về nông nghiệp, mình ngỡ ngàng nhận ra vấn đề của nông nghiệp không nằm ở khâu trồng trọt, nông dân của mình rất giỏi, kỹ thuật trồng trọt nào cũng có thể học hỏi rất nhanh.
Vấn đề của nông nghiệp nằm ở đầu ra, nông dân mình còn rất hạn chế trong trong khâu sản xuất chế biến cũng như bán hàng. Mình may mắn được đi học, mình cần phải nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề đó.
Quá trình chuyển đổi trồng vải thiều theo phương thức truyền thống (có sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu) sang phương pháp canh tác an toàn (không/hạn chế tối đa hóa chất) sẽ có 1-2 năm đầu khiến cây vải bị giảm chất lượng, có nhiều quả sâu, quả nhỏ,…khó tiếp cận người tiêu dùng theo hình thức bán quả tươi. Nếu không xử lý được đầu ra cho loại quả này thì người dân sẽ thất thu, họ sẽ nản chí và không có động lực chuyển sang nông nghiệp bền vững.
Mình mày mò nghiên cứu chiết xuất đường từ quả vải thiều này (quả nhỏ, quả sâu, quả dập vỡ ) để dùng trong lên men chất tẩy rửa sinh học. May mắn thay, quả vải thiều là loại quả chứa nguồn đường rất tuyệt vời cho quá trình lên men và mình đã có thành quả bước đầu sau 2 năm cố gắng.
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng như nông sản tại địa phương là con đường phát triển bền vững mà mình muốn theo đuổi, nó không chỉ giúp mình có công việc, có thu nhập mà còn giúp người dân trồng vải quê mình có thêm đầu ra cho quả vải.
Mình đã, đang và sẽ cố gắng để mô hình của mình sẽ phát triển hơn nữa, để nông sản quê mình không còn bị rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”, nông dân sẽ có kế sinh nhai bền vững để tiếp tục hành trình canh tác nông nghiệp an toàn.
Hành trình còn gian nan lắm, mình mới đi được những bước rất nhỏ thôi. Cố lên nào!
Quay lại blog