TINH TƯƠM - NƯỚC TẨY RỬA SINH HỌC LÊN MEN TỪ VẢI THIỀU

TINH TƯƠM - NƯỚC TẨY RỬA SINH HỌC LÊN MEN TỪ VẢI THIỀU

Hoàn Trần
🌿
Tinh Tươm là sản phẩm tẩy rửa đa năng dùng cho rửa bát, rửa tay, lau nhà, cọ rửa nhà tắm, lau bàn bếp, nhà vệ sinh,…
Tinh Tươm được lên men từ vải thiều với bồ hòn bằng phương pháp lên men yếm khí, tận dụng nguồn đường dồi dào trong quả vải để tạo thành dung dịch thơm như rượu vang.
🌿Tại sao mình dùng vải thiều? Vải thiều có vai trò gì trong quá trình lên men?
Lý do mình chọn vải thiều thì đơn giản thôi, tại vì nó sẵn có, chẳng cần đi đâu xa, gì chứ đến mùa vải ở Lục Ngạn thì chỉ cần đi ra đường là thấy vải chín ở khắp nơi rồi.
Vải thiều quê mình, quả to đẹp nhất thì để xuất khấu, quả to đẹp vừa vừa thì vào siêu thị trong nước, quả nho nhỏ xinh xinh thì đến các vùng quê, quả bé quá thì đem đi ép nước, còn quả xấu xí quá trời đất không ai mua thì mình đem đi lên men, tạo thành nước tẩy rửa sinh học.
Những năm gần đây, phương pháp lên men vỏ trái cây và rác thải hữu cơ tạo thành dung dịch enzyme dùng cho tẩy rửa rất phát triển, mọi người quan tâm thì biết chúng mình hoàn toàn có thể tự làm để dùng, cách làm rất đơn giản: Vỏ trái cây (chất hữu cơ) + đường thô/mật rỉ (nguồn đường-thức ăn cho vi sinh vật) + nước sạch, ủ trong bình kín để lên men, sau 3 tháng sẽ tạo ra dung dịch có tính axit, có khả năng tẩy rửa.
Mình có thể thay thế 1 phần chất hữu cơ bằng quả bồ hòn, quá trình lên men đồng thời sẽ giải phóng saponin trong quả bồ hòn nên dung dịch thu được sẽ có bọt và tẩy rửa tốt hơn.
Bản chất của quá trình này là quá trình lên men hỗn hợp các loại cồn và axit hữu cơ (axit axetic, axit lactic,…), hiểu đơn giản thì cơ chế của nó giống như chúng ta muối dưa hay làm giấm hoa quả ấy: Vi sinh vật sẽ sử dụng nguồn đường được cung cấp để sinh trưởng và chuyển hóa các chất hữu cơ trong thùng lên men thành cồn/axit (thành phần và tỷ lệ sản phẩm tùy thuộc vào nguyên liệu và phương pháp lên men).
🌿Chất lượng nguồn đường cho vào thùng lên men sẽ quyết định nhiều đến quá trình lên men. Thường chúng ta không nên dùng đường kính trắng vì đường này đã được tinh chế, và chỉ còn mỗi thành phần đường, trong khi đường mía thô hay mật rỉ còn có các chất khoáng, vitamin có ích cho sự sinh trưởng của vi sinh vật.
Mà mọi người biết sao không? Vi sinh vật là bọn rất khôn. Chúng rất thích ăn đường hoa quả, loại đường tự nhiên chứa các thành phần dinh dưỡng đa dạng.
Và quả vải thiều là một trong những nguồn đường xuất sắc như thế. Ngoài thành phần đường siêu xịn (66% đường glucose, 5% đường saccharose), quả vải còn chứa dưỡng chất dồi dào, gồm vitamin C, vitamin B2, canxi, magie, photpho,…
Tóm lại, bơi trong thịt quả vải chín mọng này thì con nào mà không thích, nên mình dùng vải để lên men cực kì thuận lợi, dịch lên men thơm phưng phức.
Trong quá trình gầy dựng lại vườn vải thiều không dùng hóa chất, quả vải thu được trông rất xấu so với vườn được chăm bón phân thuốc đầy đủ, nên mình tìm cách chế biến những quả vải này thành sản phẩm hữu ích.
Back to blog